IMG-LOGO
Trang chủ Kiến thức - kinh nghiệm Chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh Chương trình OCOP tại Việt Nam

Chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh Chương trình OCOP tại Việt Nam

(ĐCSVN) – Học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là từ Nhật Bản, Thái Lan và kết quả triển khai tại Quảng Ninh, Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), xem đây là một giải pháp cụ thể, hiệu quả, giúp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện.

Thông tin này được khẳng định tại Hội thảo quốc tế Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) diễn ra ngày 20/11 tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Quỹ Quốc tế Phát triển Nông nghiệp (IFAD) tổ chức.

Hội thảo thu hút sự tham gia của các đại biểu trong nước và quốc tế (Ảnh: HNV)

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Thái Lan; đại diện một số tổ chức quốc tế và Văn phòng Điều phối nông thôn mới các tỉnh, thành phố... Đây cũng là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ làng nghề Việt Nam 2018.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, hiện, cả nước có 6.270 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất (có đăng ký kinh doanh), trong đó có 3.126 doanh nghiệp, chiếm 76,6% số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong cả nước, tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm: Thực  phẩm, thảo dược, vải may mặc, đồ lưu niệm, nội thất trang trí, dịch vụ du lịch. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đầu có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa.

Sản phẩm gỗ được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ làng nghề Việt 2018 (Ảnh: HNV)

Được biết, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 thực hiện trên phạm vi cả nước. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể; góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, hạn chế tình trạng di cư từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù hiện nay mới chỉ có 18/63 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án với 1.579 sản phẩm có khả năng được gắn sao (các sản phẩm sẽ được gắn từ 1-5 sao; sản phẩm 1-3 sao phục vụ thị trường trong nước, sản phẩm 4-5 sao có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu). Phần lớn các ý kiến của đại biểu phát biểu tại Hội thảo đều cho rằng, nếu được chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách cụ thể, bài bản, đồng bộ thì việc triển khai OCOP sẽ rất thuận lợi, tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới đi vào thực chất, bền vững, góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương.

Do đó, Hội thảo lần này được tổ chức nhằm trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm quý từ các nước đã triển khai chương trình này: Thái Lan, Nhật Bản. Từ đó, giúp Việt Nam triển khai thực hiện OCOP hiệu quả, thực chất hơn.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo lần này, các đại biểu đến từ Hiệp hội trao đổi Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) quốc tế Nhật Bản - quốc gia khởi đầu phong trào OVOP trên thế giới; Cục Phát triển cộng đồng, Bộ Nội vụ Thái Lan - quốc gia triển khai phong trào này được 18 năm và đại diện một số tỉnh, thành phố... đã chia sẻ kinh nghiệm để đẩy mạnh Chương trình OCOP tại Việt Nam./.

Tags: