IMG-LOGO
Trang chủ Tin tức - sự kiện Phát triển sản phẩm OCOP thế mạnh

Phát triển sản phẩm OCOP thế mạnh

Tham gia chương trình OCOP của tỉnh năm 2013, tới nay, huyện Cô Tô đã phát triển được 48 sản phẩm OCOP với 6 cơ sở tham gia là Thanh Măng, Thanh Úy, Lê Thị Lập, Vũ Thị Loan, cơ sở sản xuất nước mắm của ông Nguyễn Đăng Lương, HTX Kinh doanh và Dịch vụ thủy sản Nam Hải. Trong đó, đã có 9 sản phẩm được gắn sao cấp tỉnh gồm 2 sản phẩm 4 sao và 7 sản phẩm 3 sao được công nhận trong những năm 2018 và 2019 - phần nhiều là các sản phẩm chế biến từ hải sản, khai thác thế mạnh vốn có của Cô Tô.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm mực một nắng Cô Tô tại cơ sở Thanh Măng (khu 4, thị trấn Cô Tô)

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hà Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Cô Tô, đơn vị phụ trách chương trình OCOP, cho biết: Cô Tô nằm giữa ngư trường Vịnh Bắc Bộ nên hải sản có chất lượng tốt, vị đậm đà, ngon hơn nhiều vùng khác. Đó chính là nguyên liệu tuyệt vời để chế biến các sản phẩm ngon. Trong số đó, mực ống và cá duội là các sản phẩm được các cơ sở quan tâm, phát triển mạnh nhất. Phát huy lợi thế này, thời gian qua, huyện đã có chính sách, tạo điều kiện để các hộ dân tham gia sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa loại hình sản phẩm. Ngoài hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng tập trung các chương trình, nguồn lực để phát huy thế mạnh này.

Theo đó, tháng 10/2014, theo đề nghị của huyện, Dự án xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cá duội Cô Tô” cho sản phẩm cá duội của huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng dự toán kinh phí là trên 1,79 tỷ đồng. Dự án cho phép sản phẩm phát triển quy củ với các khâu xác định vùng sản xuất, xây dựng và quản lý nhãn hiệu, phát triển sản xuất và phát triển thị trường. Nhờ đó cho tới nay, sản phẩm cá duội đã được tất cả cơ sở theo mô hình OCOP chú trọng sản xuất và phát triển thương hiệu theo một quy trình sản xuất tiêu chuẩn. Cá duội Cô Tô đã trở thành thương hiệu sản phẩm có tiếng được thị trường chấp nhận, được nhiều nơi nhập về số lượng lớn.

Đối với sản phẩm mực ống Cô Tô, sản phẩm truyền thống này đã được phê duyệt tại Dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Mực ống Cô Tô"  vào tháng 11/2012. Tổng kinh phí là trên 4,2 tỷ đồng (gồm cả vốn đối ứng). Ngoài một số nội dung tương tự dự án cá duội, dự án còn tập trung vào tăng cường năng lực cho người sản xuất và tác nhân thị trường; theo dõi, tổng kết dự án và công tác quảng bá. Theo đó, sản phẩm mực ống Cô Tô được xây dựng thương hiệu bao gồm tên thương hiệu, chỉ dẫn địa lý thương hiệu; bảo hộ nhãn hiệu...

Mực ống còn được huyện tập trung phát triển dưới dạng sản phẩm chủ lực và được đưa vào danh mục sản phẩm chủ lực cấp tỉnh. Nhờ đó, cho tới nay sản phẩm mực ống Cô Tô đã khẳng định được thương hiệu, giá trị và được người tiêu dùng nhớ đến. Trung bình hàng năm, sản lượng tiêu thụ sản phẩm này là khoảng 1-2 tấn khô/vụ (tương đương khoảng 3-6 tấn tươi/vụ).

Cá duội và sản phẩm OCOP từ hải sản Cô Tô đã tạo lập được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng.

Không chỉ được quan tâm hỗ trợ, các sản phẩm thế mạnh này hàng năm đều được tạo điều kiện tham gia các hội chợ OCOP trong tỉnh và toàn quốc, nhằm quảng bá, xúc tiến và giúp doanh nghiệp tìm, phát triển thị trường. Cho tới nay, hầu hết các sản phẩm này đều cơ bản hoàn thiện nhãn mác bao bì đẹp mắt, được bảo hộ nhãn hiệu, có mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; các doanh nghiệp được tự đứng ra công bố chất lượng sản phẩm... tiệm cận gần nhất tới yêu cầu cao của thị trường.

Theo ông Hà Mạnh Hùng thì trong thời gian tới, huyện sẽ có nhiều giải pháp, nguồn lực hỗ trợ các sản phẩm thế mạnh này phát triển hơn nữa. Đó là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, khuyến khích chế biến sâu... Cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, nhiều chương trình chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Quy mô sản xuất được mở rộng, tiếp  cận nhiều kênh phân phối sản phẩm hơn mô hình hộ kinh doanh cá thể, gia đình, hỗ trợ cụ thể để tiếp sức doanh nghiệp. Về phát triển quy mô, huyện sẽ hỗ trợ thủ tục pháp lý trong quá trình thành lập doanh nghiệp HTX, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, bố trí gian hàng trong Trung tâm Dịch vụ thương mại huyện; ưu tiên mặt bằng sản xuất tại khu dịch vụ hậu cần nghề cá... Để nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ quy trình, chất lượng của các sản phẩm đã dày công xây dựng thương hiệu uy tín.