Năm 2013, anh Nịnh Văn Trắng, thôn Bắc Xa, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ là người mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình OCOP với sản phẩm trà hoa vàng. Từ những hỗ trợ ban đầu, anh đã gặt hái được nhiều thành công. Năm 2017, anh đã mạnh dạn đứng ra thành lập Công ty rồi tiếp tục cải tiến, bổ sung truy xuất nguồn gốc bằng mã QR-code trên bao bì, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, ứng dụng công nghệ sấy lạnh, sấy thăng hoa...
Đến nay, Công ty của anh đã có hàng chục sản phẩm, trong đó, sản phẩm trà hoa vàng đã đạt 5 sao. Anh Trắng, cho biết: Chương trình OCOP đã tạo động lực làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ manh mún, nhỏ lẻ sang hàng hóa tập trung, bài bản, chuyên nghiệp. Đồng thời, xây dựng thành công thương hiệu đặc trưng của địa phương, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế nông thôn.
Không chỉ với anh Trắng, chương trình OCOP còn là động lực cho nhiều địa phương phát triển. Cụ thể như ở TP Móng Cái đã lựa chọn phát triển khoai lang lim là một trong những cây trồng chủ lực, hỗ trợ bà con nhân rộng vùng trồng khoai lang, hình thành vùng sản xuất tập trung. Với diện tích 655ha, sản lượng thu hoạch đạt hơn 4.500 tấn, trừ chi phí, người dân thu lãi từ 45-50 triệu đồng/ha. Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX Nông lâm ngư nghiệp Thái An cho biết: Chương trình OCOP đã đưa giống cây khoai lang vốn “bị bỏ quên” bấy lâu nay dần trở thành sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Thời gian tới, HTX sẽ phối hợp với TP Móng Cái hướng dẫn bà con trồng khoai lang lim Móng Cái theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời tiếp tục đầu tư máy móc chế biến, bảo quản, sản xuất thêm sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hội chợ OCOP là địa chỉ quen thuộc của nhiều nông sản Quảng Ninh. (Trong ảnh: Người dân lựa chọn nông sản tại Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh 2019)
Khởi tạo từ phong trào OVOP - Mỗi làng một sản phẩm ở Nhật Bản, năm 2013, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình OCOP dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản đó là: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, các chủ thể sản xuất phải chủ động về ý tưởng sản phẩm, thị trường, sản xuất, chế biến, tiêu thụ; nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại. Từ đó, ngày càng nâng cao về chất lượng, hoàn thiện về mẫu mã, chuẩn hóa về bao bì đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 421 sản phẩm tham gia OCOP, trong đó 196 sản phẩm được xếp hạng sao.
Không chỉ tập trung nâng chất sản phẩm, chương trình còn chú trọng đến hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Mặc dù là khâu cuối song xúc tiến thương mại được xác định là điểm mấu chốt chu trình OCOP. Có thể nói, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức hội chợ chuyên đề về các sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Đồng thời, từ năm 2019, tỉnh tổ chức hội chợ OCOP kết hợp với thương mại thay thế cho hội chợ thương mại thường niên. Cũng như, thường xuyên tổ chức tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, quảng bá trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia quảng bá sản phẩm tại hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước... Hiện nay, nhiều sản phẩm như: Nước mắm Cái Rồng, miến dong Bình Liêu, chả mực Hạ Long... đã dần khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường thông qua việc tiêu thụ ổn định tại hệ thống siêu thị BigC, chuỗi cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản sạch, nhà hàng, khách sạn...
Có thể thấy, những kết quả đạt được thời gian qua là nền tảng vững chắc để các sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiến gần hơn với thị trường quốc tế. Đồng thời, đưa OCOP từng bước trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, góp phần khẳng định thương hiệu riêng có của Quảng Ninh.