IMG-LOGO
Trang chủ Kiến thức - kinh nghiệm Kinh nghiệm triển khai chương trình Ocop ở Quảng Ninh

Kinh nghiệm triển khai chương trình Ocop ở Quảng Ninh

Trung Hiếu - 31-08-2020

Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm- Ocop được triển khai thí điểm tại tỉnh Quảng Ninh từ năm 2013 và được nhân rộng ra cả nước. Kết quả rõ nét nhất là giá trị và thương hiệu các sản phẩm lợi thế tại địa phương được nâng lên rõ rệt. Từ kinh nghiệm của Quảng Ninh sẽ là cơ hội và tiền đề để tỉnh Sơn La có thể triển khai chương trình Ocop trên địa bàn tỉnh.


Kinh nghiệm triển khai chương trình Ocop ở Quảng Ninh

Nhận thấy các sản phẩm nông sản truyền thống địa phương như lạc, vừng ở dạng thô có giá trị khá thấp. Năm 2015, HTX Nông Nghiệp Hải Yến, tỉnh Quảng Ninh đã sử dụng nguồn nguyên liệu này để chế biến ra các sản phẩm dầu lạc, dầu vừng nguyên chất. Nhờ những chính sách hỗ trợ từ chương trình Ocop, các sản phẩm của HTX đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, vươn đến các thị trường trong và ngoài tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2018, doanh thu của HTX đã đạt mức trên 3 tỷ đồng. Chị Phùng Thị Ngọc- Giám đốc HTX Nông nghiệp Hải Yến, Quảng Ninh cho biết:
Tham gia Ocop mình có nhiều lợi thế mình tiếp cận được thị trường, thứ 2 là mình đã tiêu thụ được nông sản địa phương mình, không phải theo thương lái sang Trung Quốc, mà mình có thể tiêu thụ sản phẩm tại chính địa phương của mình.
Với địa hình phân hóa khá đa dạng, Quảng Ninh có lợi thế phát triển nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng, trong đó có các sản phẩm từ cây dược liệu. Phát triển theo hướng này, mô hình OCOP của HTX dược liệu xanh Đông Chiều, Quảng Ninh đã thu được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay công ty đã có 3 sản phẩm là cao sân ba kích, chè vằng, dây thừa canh được đánh giá 4 sao, sản phẩm chanh đào mật ong được đánh giá 3 sao theo bộ tiêu chí đánh giá Ocop. Trung bình hàng tháng, HTX đang cung cấp ra thị trường khoảng 30.000 sản phẩm với doanh thu trên 300 triệu đồng. Về vấn đề này, Ông Phạm Thế Dự- Phó Giám đốc HTX dược liệu xanh Đồng Chiều, Quảng Ninh cho biết thêm:
Khi tham gia Ocop thì các sản phẩm đã được tư vấn hỗ trợ để hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan. Và được sở, ban, ngành hỗ trợ để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trung tâm xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Ban NTM hỗ trợ tập huấn, mời chuyên gia hỗ trợ, xây dựng mô hình kinh doanh. Từ đó tạo lợi thế cho doanh nghiệp khi tham gia vào Ocop.
Sau 6 năm triển khai, chương trình Ocop của Quảng Ninh đã có gần 170 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia. Trong năm 2018, tổng doanh thu từ các sản phẩm tham gia Ocop đạt gần 360 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 3.500 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5-9 triệu đồng/người/tháng. Để có được thành công đó, tỉnh Quảng Ninh đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để triển khai chương trình này. Ông Đinh Bá Chinh- Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Ocop tỉnh Quảng Ninh cho biết:
Kinh nghiệm làm tốt cái này phải có một bộ công cụ, chu trình ocop chuẩn, bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng, xây dựng nhãn hiệu logo chuẩn, tổ chức cuộc thi thiết kết tem nhãn bao bì. Chúng tôi thấy quan trọng nhất là thành lập các trung tâm xúc tiến thương mại trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, vấn đề kiện toàn bộ máy, nguồn nhân lực tham gia chương trình Ocop, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong việc hình thành, phát triển cũng được tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng bộ. Với tỉnh Sơn La, đây sẽ là những kinh nghiệm cần thiết để xây dựng mỗi xã, phường một sản phẩm, Ocop, hình thành và phát triển các sản phẩm lợi thế, cải thiện thu nhập người dân, tiến tới xây dựng NTM đồng bộ, thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn toàn tỉnh./.

Tags: