OCOP LÀ GÌ?
Là chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (tiếng Anh là One commune, one product- viết tắt là OCOP) là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm của của Nhật Bản” (tiếng Anh là One village, one product- viết tắt là OVOP) trên cơ sở kế thừa, chọn lọc và sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh. “Mỗi xã, phường một sản phẩm” thực chất là giải pháp để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương vốn dĩ là những tiềm năng lợi thế của các vùng miền chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH OCOP QUẢNG NINH
(1) Đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của Tỉnh để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn và khu vực đô thị góp phần cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại của Tỉnh.
(2) Xác định và tập trung phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng dân cư trong tỉnh.
(3) Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế khi Việt Nam tham gia thực hiện các Hiệp định thương mại AEC, AFTA,TPP.
(4) Xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh Quảng Ninh trên phạm vi cả nước và dần từng bước trên thị trường quốc tế.
SẢN PHẨM VÀ NHÓM SẢN PHẨM OCOP
Sản phẩm OCOP: Là sản phẩm do các đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm tạo ra dựa trên chu trình OCOP chuẩn, qua thi đánh giá xếp hạng và được UBND tỉnh chứng nhận đạt từ 3-5 sao. Các sản phẩm trong Chương trình gồm cả hai dạng: Sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ:
+ Sản phẩm hàng hóa có đặc trưng là sản xuất rồi mới bán, bao gồm cả sản phẩm tiêu dùng và sản phẩm tư liệu sản xuất. Mỗi sản phẩm gồm 3 phần cơ bản: phần cốt lõi, phần vật lý và phần gia tăng. Các sản phẩm này chủ yếu được phát triển dựa trên các sản phẩm truyền thống của các cộng đồng.
+ Sản phẩm dịch vụ có đặc trưng là vừa sản xuất vừa bán hàng, được phát triển dựa trên các lợi thế của cộng đồng, như dịch vụ du lịch danh thắng, home stay,...
Nhóm sản phẩm OCOP: Là nhóm các sản phẩm tương tự về các đặc tính vật lý có tính tương đồng về cách thức sử dụng. Các sản phẩm OCOP được chia thành 6 nhóm chính theo Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 gồm:
+ Nhóm thực phẩm, gồm: Nông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác.
+ Nhóm đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn; đồ uống không cồn.
+ Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, gồm: Sản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác.
+ Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi tự nhiên, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren... làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng.
+ Nhóm sinh vật cảnh, gồm: Hoa, cây cảnh, động vật cảnh.
+ Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
TỔ CHỨC KINH TẾ VÀ HỘ KINH DOANH CÁ THỂ
Tổ chức kinh tế OCOP là các tổ chức sản xuất sản phẩm, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP và có sản phẩm tham gia kỳ thi đánh giá sản phẩm.
Các tổ chức kinh tế trong đề án là các tổ chức có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, giấy phép kinh doanh,… theo luật định. Các tổ chức này bao gồm (i) các doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp 2014), gồm công ty tư nhân, công ty TNHH (một đến dưới 50 thành viên), công ty cổ phần; (ii) các hợp tác xã (theo Luật HTX năm 2012), trong đó ưu tiên hai hình thức có sự tham gia đông đảo là công ty cổ phần có vốn của cộng đồng và hợp tác xã.
Hộ kinh doanh cá thể do 1 cá nhân duy nhất hoặc 1 hộ gia đình kinh doanh. Cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. Số đông muốn góp vốn kinh doanh sẽ phải cùng nhau thành lập doanh nghiệp hoặc HTX. Mục tiêu của OCOP là các hộ kinh doanh cá thể phải hướng tới thành lập tổ chức kinh tế (doanh nghiệp hoặc hợp tác xã).
NGUYÊN TẮC CỦA OCOP
Hành động địa phương – hướng tới toàn cầu
Nghĩa là nhận biết và khai thác các nguồn lực sẵn có ở địa phương và phát triển chúng thành các sản phẩm có khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu bằng cách gia tăng giá trị cho chúng và theo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế.
Tự lực, tự tin và sáng tạo
Nghĩa là để có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, cộng đồng cần liên tục phát triển giá trị độc đáo của riêng mình, bằng tinh thần sáng tạo của chính mình.
Phát triển nguồn nhân lực
Thông qua OCOP, lãnh đạo cộng đồng, người đứng đầu các tổ chức kinh tế (giám đốc DN, HTX, trưởng nhóm), nguồn nhân lực có trình độ và các mạng lưới được tạo ra để phát trển bền vững.